. Phóng viên: Từ câu chuyện không ít người chấp nhận bỏ tiền đặt mua hàng xách tay với giá tiền cao hơn giá hãng công bố hoặc tự sang nước ngoài mua nhằm chứng tỏ "hơn người" khi được sở hữu iPhone mới sớm khoảng 1-2 tuần, ông có bình luận gì về sở thích tiêu dùng hàng xa xỉ của một bộ phận người Việt?
ThS TRẦN ANH TÙNG
- ThS TRẦN ANH TÙNG, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM: Một số mặt hàng được coi là xa xỉ vì các hãng chưa thật sự coi trọng thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, trước đây tại Việt Nam chưa có Starbucks hay McDonald’s mà thế giới đã có nên khi những thương hiệu này vào thị trường trong nước, nó được người tiêu dùng săn đón và trở thành hàng xa xỉ.
Điều này tương tự với hãng Apple hiện nay. Nếu Apple có một cửa hàng chính hãng bán sản phẩm trực tiếp và cho phép mở bán cùng thời điểm mở bán trên toàn thế giới thì iPhone sẽ không còn là hàng xa xỉ nữa.
Từ thực tế này có thể thấy việc người tiêu dùng Việt Nam ưa thích hàng xa xỉ xuất phát từ tâm lý muốn bắt kịp xu hướng, muốn chứng tỏ bản thân của một bộ phận giới trẻ có nền tảng thu nhập tốt, chứ không phải toàn cộng đồng.
. Tình hình kinh tế đang khó khăn mà xu hướng tiêu dùng hàng xa xỉ vẫn tồn tại. Điều này sẽ tác động ra sao đến thói quen, sở thích của người Việt?
- Tình hình kinh tế khó khăn khiến xu hướng chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ, trong đó có đồ công nghệ như iPhone, của người tiêu dùng Việt Nam đang phần nào giảm dần. Tuy thế, sở thích chứng tỏ bản thân thông qua chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ của một bộ phận giới trẻ không giảm nhiều.
Đó là nhóm người tiêu dùng có điều kiện tài chính, tiền không phải do bản thân tự kiếm ra mà có thể do có cha mẹ giàu. Từ độ tuổi 35 trở đi, người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ.
Đơn đặt hàng iPhone 15 tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn chứng tỏ xu hướng ưa thích hàng xa xỉ vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người Việt. Ảnh: LONG GIANG
. Nhiều người nói rằng sử dụng hàng xa xỉ là khoa trương. Ông có nghĩ vậy?
- Không biết từ khoa trương trong tình huống này gắn với tâm lý học hay kinh tế học? Trong kinh tế học, không có bất kỳ luận điểm nào cho rằng chi tiêu cho hàng xa xỉ là chi tiêu khoa trương vì bản chất mỗi loại hàng hóa được định hình theo thu nhập. Thu nhập cao thì nhu cầu chi tiêu lớn hoặc tốt hơn. Nói khoa trương có chăng là sự đúc kết của xã hội về lối sống thích khoe mẽ.
. Ông nhận xét thế nào về một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thu nhập thấp nhưng lại đua đòi vay mượn để mua hàng hiệu, chấp nhận trả góp, "xài trước trả sau"?
- Họ bị hiệu ứng Diderot, tức là khi họ sở hữu một món đồ mới thì sẽ càng muốn có được nhiều thứ mới hơn. Họ cố gắng tiêu xài để chứng tỏ giá trị của bản thân và rồi... phá sản.
Thật ra, tiêu dùng hàng xa xỉ để chứng tỏ bản thân là hiện tượng tâm lý bình thường của một bộ phận người trẻ. Tuy nhiên, với những người vay mượn nhiều để tiêu dùng dẫn đến mất khả năng trả nợ thì phải được cảnh báo.
Cần thiết lồng ghép chương trình quản lý tài chính cá nhân vào nội dung giảng dạy ở các cấp học từ THCS, THPT để từ đó định hình sớm xu hướng chi tiêu của thế hệ tiếp theo.
. Theo ông, việc tiêu dùng hàng xa xỉ còn bị ảnh hưởng từ những yếu tố nào khác?
- Người tiêu dùng còn bị hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out). Đó là hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ trong chi tiêu nếu không chạy theo đám đông, không mua được món đồ nào đó để thể hiện là người sành điệu, để khoe mẽ.
Ngoài ra, các influencer (tạm dịch là người có sức ảnh hưởng) với lối sống xa hoa cũng tác động đến tâm lý đám đông, khiến một bộ phận cảm thấy mình cũng phải sống như vậy.
NGUYỄN HẢI thực hiện